Thứ Hai, Tháng Năm 19, 2025

Trang chủMẹ & BéChăm Sóc BéBệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn...

Bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và cách điều trị

Bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh là một dạng ung thư phổ biến nhất ở trẻ. Với các triệu trứng bầm tím, chảy máu, khó thở,… Bệnh cần được phát hiện kịp thời để có phát đồ điều trị đúng. Mời bố mẹ cùng Tiki tìm hiểu chi tiết về bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh ngay nhé!

Bệnh máu trắng là gì? 

Tìm hiểu bệnh máu trắng

Bệnh bạch cầu, hay ung thư máu, là một dạng ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Các tế bào ung thư phát triển trong tủy xương và sau đó lan vào máu. Tủy xương là phần mềm, xốp nằm ở trung tâm một số xương, nơi sản xuất các tế bào máu. 

Khi trẻ mắc bệnh bạch cầu, tủy xương sản sinh ra các tế bào máu bất thường chưa trưởng thành, chủ yếu là bạch cầu. Đồng thời, tủy cũng sản xuất ít tế bào khỏe mạnh hơn. Các tế bào bất thường này sinh sôi nhanh chóng và không hoạt động như tế bào máu bình thường.

Tế bào máu gồm 3 loại chính:

  • Hồng cầu: Mang oxy đi khắp cơ thể. Khi lượng hồng cầu khỏe mạnh thấp, trẻ có thể bị thiếu máu, dẫn đến mệt mỏi, yếu sức và khó thở.
  • Tiểu cầu: Đóng vai trò trong việc đông máu và cầm máu. Nếu thiếu tiểu cầu, trẻ dễ bị bầm tím và chảy máu không kiểm soát.
  • Bạch cầu: Giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và các bệnh tật khác. Khi số lượng bạch cầu thấp, trẻ dễ mắc nhiễm trùng hơn.
  • Bệnh bạch cầu ở trẻ em có nhiều loại khác nhau, nhưng phần lớn là cấp tính, nghĩa là bệnh tiến triển nhanh. 

Các loại thường gặp bao gồm:

  • Bệnh bạch cầu cấp lympho (ALL): Loại phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML): Là loại phổ biến thứ hai.
  • Bệnh bạch cầu dòng lai hoặc hỗn hợp: Rất hiếm gặp, kết hợp giữa ALL và AML.
  • Bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính (CML): Hiếm gặp ở trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu lympho mãn tính (CLL): Cực kỳ hiếm.
  • Bệnh bạch cầu nguyên bào nuôi ở vị thành niên (JMML): Một loại ung thư hiếm, không thuộc nhóm cấp tính hay mãn tính.

Nguyên nhân bệnh máu trắng

Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, nhưng có một số yếu tố nguy cơ đã được biết đến, bao gồm:

  • Hội chứng di truyền: Những hội chứng như hội chứng Down, hội chứng Li-Fraumeni, u xơ thần kinh và thiếu máu Fanconi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
  • Hệ thống miễn dịch yếu: Trẻ em có hệ thống miễn dịch hoạt động kém, do di truyền hoặc do các yếu tố bên ngoài như thuốc và bệnh tật, có nguy cơ cao hơn. Một số hội chứng di truyền như Ataxia-telangiectasia, hội chứng Wiskott-Aldrich, hội chứng Bloom và hội chứng Shwachman-Diamond có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, trẻ em sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng cũng có nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có anh chị em mắc bệnh ung thư máu, nguy cơ bệnh bạch cầu ở trẻ sẽ cao hơn.
  • Tiếp xúc với các yếu tố môi trường: Trẻ em tiếp xúc với bức xạ, hóa trị, hoặc một số hóa chất độc hại cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
Bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh từ nhiều nguyên nhân
Bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh từ nhiều nguyên nhân

Dấu hiệu bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh bạch cầu ở trẻ em chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn và các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp tính thường xuất hiện đột ngột, trong khi bệnh bạch cầu mãn tính tiến triển chậm. 

Dưới đây là bảy triệu chứng nổi bật của bệnh bạch cầu ở trẻ em mà phụ huynh cần lưu ý:

  • Bầm tím và dễ chảy máu: Trẻ mắc bệnh bạch cầu dễ bị chảy máu khi gặp chấn thương nhẹ hoặc bị chảy máu mũi. Các vết bầm tím và đốm đỏ tím trên da (petechiae) cũng xuất hiện do tình trạng vỡ các mạch máu nhỏ. Kết quả xét nghiệm máu thường cho thấy số lượng tiểu cầu thấp.
  • Các triệu chứng ở bụng: Trẻ có thể cảm thấy đau bụng vì các tế bào máu trắng tập trung ở các cơ quan như gan, lá lách và thận, làm chúng bị phì đại. Điều này có thể dẫn đến cảm giác đau và mất cảm giác thèm ăn, gây sụt cân.
  • Khó thở: Các tế bào ung thư có thể chèn ép lên tuyến ức hoặc các hạch bạch huyết, gây khó thở. Trẻ có thể ho, thở khò khè và cảm thấy đau khi thở, đây là triệu chứng cần phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
  • Hay bị các bệnh nhiễm trùng: Vì các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành không thể thực hiện chức năng chống nhiễm trùng, trẻ mắc bệnh bạch cầu thường dễ bị nhiễm trùng. Các triệu chứng nhiễm trùng có thể bao gồm ho, sốt và chảy nước mũi, nhưng các bệnh này không tiến triển tốt ngay cả khi dùng thuốc kháng sinh.
  • Sưng tấy: Các tế bào ung thư có thể tích tụ trong các hạch bạch huyết, gây sưng tấy ở cổ, dưới cánh tay, vùng háng hoặc xương đòn. Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp CT có thể giúp phát hiện các hạch bạch huyết bị sưng trong vùng bụng hoặc ngực.
  • Đau xương khớp: Do tủy xương sản sinh các tế bào máu không bình thường, trẻ có thể cảm thấy đau xương và khớp. Một số trẻ còn cảm thấy đau lưng dưới hoặc khó đi lại do đau chân.
  • Thiếu máu: Khi cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu, trẻ sẽ bị thiếu máu, gây mệt mỏi, da xanh xao, thở gấp và kiệt sức. Một số trẻ có thể gặp khó khăn khi nói và cảm thấy mê sảng.
Có nhiều dấu hiệu về bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh
Có nhiều dấu hiệu về bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh

Chẩn đoán, điều trị bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh

Chuẩn đoán bệnh máu trắng ở trẻ em

​​Để chẩn đoán bệnh bạch cầu ở trẻ em, bác sĩ sẽ tiến hành các bước kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm việc xem xét bệnh sử và khám sức khỏe. Dưới đây là các xét nghiệm chính để chẩn đoán và phân loại bệnh bạch cầu ở trẻ:

  • Xét nghiệm máu: Một trong những xét nghiệm đầu tiên là công thức máu hoàn chỉnh (CBC). Xét nghiệm này giúp đo lường số lượng tế bào hồng cầu, các loại bạch cầu khác nhau và tiểu cầu. Nếu kết quả bất thường, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm thêm để xác định bệnh bạch cầu.
  • Chọc hút hoặc sinh thiết tủy xương: Tủy xương, nơi sản sinh ra các tế bào máu, có thể bị ảnh hưởng bởi các tế bào ung thư. Để kiểm tra điều này, bác sĩ có thể thực hiện chọc hút tủy xương (lấy dịch tủy xương) hoặc sinh thiết tủy xương (lấy mô tủy xương đặc). Xét nghiệm này giúp xác định xem tế bào ung thư có xuất hiện trong tủy xương không.
  • Xét nghiệm máu và xét nghiệm tủy xương trong phòng thí nghiệm: Các xét nghiệm chuyên sâu như tế bào dòng chảyhóa mô miễn dịch giúp xác định chính xác loại bệnh bạch cầu. Thêm vào đó, xét nghiệm ADN và nhiễm sắc thể có thể giúp tìm ra sự thay đổi gen trong tế bào ung thư.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang sử dụng bức xạ để tạo ra hình ảnh của các mô và xương trong cơ thể, giúp phát hiện những bất thường có thể liên quan đến bệnh bạch cầu.
  • Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan bên trong cơ thể, giúp bác sĩ quan sát các dấu hiệu bệnh lý.
  • Sinh thiết hạch bạch huyết: Một mẫu mô được lấy từ các hạch bạch huyết và được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.
  • Chọc dò thắt lưng: Để kiểm tra tình trạng não và tủy sống, bác sĩ có thể thực hiện chọc dò thắt lưng, một xét nghiệm dùng kim đặc biệt để lấy dịch não tủy từ khu vực xung quanh tủy sống. Dịch này được gửi đi xét nghiệm để tìm tế bào ung thư.

Sau khi bệnh bạch cầu được chẩn đoán, bác sĩ sẽ phân loại chính xác loại bệnh bạch cầu mà trẻ mắc phải. Bệnh bạch cầu không được phân loại theo giai đoạn như nhiều bệnh ung thư khác, mà thay vào đó, nó được phân thành các nhóm và loại phụ, mỗi loại có đặc điểm riêng:

  • ALL (bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính) là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em. Nó được chia thành 2 nhóm dựa trên loại tế bào lympho mà bệnh bạch cầu bắt đầu: tế bào B hoặc tế bào T. Khoảng 8 trong 10 trường hợp ALL ở trẻ em là tế bào B.
  • AML (bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính) là loại bệnh bạch cầu khác thường gặp ở trẻ em. AML được phân loại theo hai hệ thống: Pháp-Mỹ-Anh (FAB)Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với các nhóm phân loại dựa trên sự thay đổi gen và các đặc điểm tế bào.

Việc phân loại bệnh bạch cầu rất quan trọng, vì nó giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị phù hợp và dự đoán kết quả điều trị. Các phụ huynh cần yêu cầu bác sĩ giải thích rõ ràng về tình trạng bệnh bạch cầu của trẻ để hiểu đúng và có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình điều trị.

Điều trị bệnh máu trắng ở trẻ

Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại bệnh, sức khỏe, độ tuổi của bệnh nhân và tình trạng di căn hoặc xâm lấn sang các cơ quan khác. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính:


  • Hóa trị liệu: Sử dụng các loại hóa chất để tiêu diệt hoặc ngừng sự phát triển của tế bào bạch cầu. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng viên nén, tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Hóa trị liệu thường kết hợp với các loại thuốc khác để đạt hiệu quả tối ưu.
  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này giúp cơ thể nhận diện các tế bào ung thư và tăng cường hệ miễn dịch để chống lại tế bào bạch cầu bị sai lệch. Liệu pháp miễn dịch giúp cơ thể nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Trị ung thư tế bào nhắm đích: Sử dụng thuốc được thiết kế để tấn công các phần cụ thể của tế bào bạch cầu. Phương pháp này có thể tiêu diệt tế bào bạch cầu hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng, cắt nguồn cung cấp dưỡng chất cho tế bào ung thư, giúp tiêu diệt tế bào ung thư trực tiếp.
  • Xạ trị: Sử dụng các tia năng lượng mạnh hoặc tia X để tiêu diệt tế bào bạch cầu và ngăn ngừa sự phát triển xâm lấn của chúng. Xạ trị giúp giảm khối u và tiêu diệt tế bào ung thư trong các khu vực bị ảnh hưởng.
  • Cấy ghép tế bào gốc: Sau khi các tế bào máu bị ung thư đã bị tiêu diệt thông qua các phương pháp điều trị như xạ trị, cấy ghép tế bào gốc có thể giúp tái tạo lại các tế bào máu khỏe mạnh. Tế bào gốc tạo máu sẽ giúp hình thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu mới mà cơ thể cần để hoạt động bình thường.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và sẽ được bác sĩ đưa ra quyết định sau khi đánh giá kỹ lưỡng.

Điều trị lâu dài với sự theo sát của bác sĩ
Điều trị lâu dài với sự theo sát của bác sĩ

Các lưu ý về bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh

Biến chứng của bệnh bạch cầu ở trẻ

Bệnh bạch cầu có thể gây biến chứng do khối u hoặc điều trị. Biến chứng có thể ngắn hạn hoặc dài hạn, bao gồm:

  • Nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Chảy máu nặng
  • Máu đặc do tế bào bạch cầu
  • Biến chứng lâu dài: tái phát bệnh, ung thư khác vàn đề tim phổi, học tập, tăng trưởng, khả năng có con và loãng xương.

Ngăn ngừa bệnh bạch cầu ở trẻ

Hầu hết bệnh bạch cầu không thể ngăn ngừa. Rủi ro từ X-quang và CT rất nhỏ, nhưng không nên sử dụng khi không cần thiết, đặc biệt là với phụ nữ mang thai và trẻ em.

Giúp trẻ sống với bệnh bạch cầu

Trẻ cần chăm sóc liên tục, kiểm tra và theo dõi các tác dụng phụ và dấu hiệu ung thư tái phát. Cách hỗ trợ:

  • Giúp trẻ ăn uống tốt nếu khó khăn
  • Cân bằng giữa nghỉ ngơi và hoạt động
  • Hỗ trợ tinh thần cho trẻ
  • Đảm bảo trẻ tham gia đầy đủ các cuộc hẹn tái khám

Khi nào cần gọi bác sĩ?

Gọi bác sĩ nếu con bạn có:

  • Sốt
  • Triệu chứng trở nên tồi tệ hơn
  • Triệu chứng mới
  • Tác dụng phụ khi điều trị
Bố mẹ đồng hành cùng bé trong giai đoạn bệnh
Bố mẹ đồng hành cùng bé trong giai đoạn bệnh

Câu hỏi thường gặp về bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh

Bệnh máu trắng ở trẻ em có chữa được không?

Bệnh máu trắng (bạch cầu) ở trẻ em có thể chữa được. Tỷ lệ khỏi bệnh cao, đặc biệt đối với bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL). Khoảng 95–98% trẻ em mắc ALL có dấu hiệu thuyên giảm sau 6 tuần điều trị đầu tiên và khoảng 90% trong số đó sẽ khỏi bệnh hoàn toàn trong vòng 5 năm. 

Bị bệnh máu trắng sống được bao lâu?

Thời gian sống của bệnh nhân mắc bệnh máu trắng phụ thuộc vào loại bệnh, giai đoạn phát triển và phản ứng với điều trị. Trẻ em mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) có tỷ lệ sống sót cao, với khoảng 90% khỏi bệnh hoàn toàn trong vòng 5 năm. 

Bạch cầu giảm ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bạch cầu giảm (giảm bạch cầu) ở trẻ em có thể nguy hiểm, tùy thuộc vào mức độ giảm và nguyên nhân gây ra. Giảm bạch cầu trung tính nặng (dưới 500 tế bào/mm³) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng. 

Bệnh máu trắng có di truyền không?

Hầu hết các trường hợp bệnh máu trắng không phải do di truyền. Tuy nhiên, một số đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo thống kê, khoảng 5% bệnh nhân mắc ung thư máu do di truyền.

Bệnh máu trắng vẫn có thể điều trị khỏi
Bệnh máu trắng vẫn có thể điều trị khỏi

Bệnh máu trắng ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể điều trị nếu được phát hiện kịp thời, vì vậy việc nhận biết sớm các triệu chứng và đưa trẻ đến bác sĩ là rất quan trọng. Tiki Blog hy vọng bạn đã có nhiều thông tin hữu ích về bệnh này nhé!

Xem thêm:

Reviews (0)

This article doesn't have any reviews yet.

Để lại bình luận

Đánh giá hữu ích
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Quảng cáo -gia dụng đón tết tikigia dụng đón tết tikigia dụng đón tết tikigia dụng đón tết tiki

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

- Quảng cáo -spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

tiki_mom_club