Các mũi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh là một trong những chủ đề được nhiều phụ huynh quan tâm vì chúng không chỉ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh mà còn tạo ra miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các loại vắc xin cần thiết và những lưu ý quan trọng để ba mẹ có thể chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.
Tổng hợp các loại vắc xin tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, việc tiêm phòng là rất quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Dưới đây là thông tin chi tiết về từng loại vắc xin, công dụng và độ tuổi khuyến cáo tiêm cho trẻ sơ sinh mà phụ huynh cần lưu ý để tăng cường sức khỏe cho bé.
Vắc xin viêm gan B (Hepatitis B)
Công dụng: Vắc xin viêm gan B giúp phòng ngừa bệnh viêm gan B, là căn bệnh truyền nhiễm qua đường máu và dịch cơ thể, có thể gây tổn thương gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
Độ tuổi khuyến cáo: Mũi đầu tiên nên tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Các mũi tiêm nhắc lại được tiêm khi trẻ đạt 1 – 2 tháng và 6 – 18 tháng tuổi.
Chống chỉ định: Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan, bệnh thận, bệnh đái tháo đường, bệnh cấp tính, suy dinh dưỡng,…
Vắc xin lao (BCG – Bacillus Calmette-Guérin)
Công dụng: Vắc xin BCG giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao, đặc biệt là các dạng lao nặng như lao màng não và lao phổi. Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Độ tuổi khuyến cáo: Tiêm trong vòng tháng đầu tiên sau khi sinh.
Chống chỉ định: Người đã bị nhiễm lao, da có vết mủ, sốt trên 37.5 độ.
Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (DTP)
Công dụng: Vắc xin DTP bảo vệ trẻ khỏi ba bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu (gây tổn thương hô hấp và tim), ho gà (gây viêm phổi, co thắt phổi) và uốn ván (gây co giật cơ và tử vong).
Độ tuổi khuyến cáo: Mũi đầu tiên tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại lúc 4 tháng, 6 tháng và 18 tháng.
Vắc xin bại liệt (IPV/OPV)
Công dụng: Vắc xin bại liệt giúp ngăn ngừa bệnh bại liệt, nếu bị có thể gây viêm tủy sống và dẫn đến liệt cơ vĩnh viễn hoặc tử vong.
Độ tuổi khuyến cáo: Mũi đầu tiên tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại vào các tháng 4, 6 và 18 tháng.
Chống chỉ định: Trẻ có tình trạng bị suy chức năng các cơ quan như: tim, thận gan, suy tuần hoàn, suy hô hấp,.. hoặc mắc các bệnh cấp tính, nhiễm trùng.
Vắc xin phế cầu (PCV)
Công dụng: Vắc xin PCV giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phế cầu như viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Đây là những bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nghiêm trọng.
Độ tuổi khuyến cáo: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, sau đó nhắc lại ở tháng 4 và tháng 12.
Chống chỉ định: Người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc, mẫn cảm với độc tố bạch cầu.
Vắc xin Haemophilus influenzae type B (Hib)
Công dụng: Vắc xin Hib bảo vệ trẻ khỏi các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra như viêm màng não, viêm phổi và nhiễm trùng máu. Những bệnh này có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh.
Độ tuổi khuyến cáo: Tiêm từ 2 tháng tuổi, sau đó nhắc lại ở các tháng thứ 4 và tháng thứ 6.
Chống chỉ định: Người đang bị sốt cao, bị bệnh cấp tính, không tiêm vào tĩnh mạch/mạch máu trong mọi trường hợp.
Vắc xin rotavirus
Công dụng: Vắc xin rotavirus giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus rota gây ra. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ do mất nước và suy dinh dưỡng.
Độ tuổi khuyến cáo: Tiêm (hoặc uống) khi trẻ 2 tháng tuổi, sau đó nhắc lại khi trẻ được 4 và 6 tháng tuổi.
Chống chỉ định: Trẻ dị tật đường tiêu hóa bẩm sinh, trẻ có tiền sử bị lồng ruột, đang bị sốt cao, rối loạn hệ thống miễn dịch.
Vắc xin viêm gan A
Công dụng: Vắc xin viêm gan A giúp phòng bệnh viêm gan A. Bệnh lây qua đường tiêu hóa do thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm, có thể gây viêm gan cấp tính và tổn thương gan.
Độ tuổi khuyến cáo: Tiêm từ 12 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại sau 6 – 18 tháng.
Chống chỉ định: Bệnh nhân đang bị sốt hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, dị ứng với các thành phần của vắc xin, bệnh nhân bị gan mạn tính.
Vắc xin sởi – quai bị – rubella (MMR)
Công dụng: Vắc xin MMR giúp ngăn ngừa ba bệnh quan trọng: sởi (gây sốt cao, phát ban, có thể gây viêm phổi, viêm não), quai bị (gây viêm tuyến nước bọt, có thể dẫn đến viêm tinh hoàn hoặc viêm buồng trứng) và rubella (gây phát ban và nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nếu lây cho phụ nữ mang thai).
Độ tuổi khuyến cáo: Tiêm từ 9 – 12 tháng tuổi, sau đó nhắc lại khi trẻ 4 – 6 tuổi.
Chống chỉ định: Người mẫn cảm với neomycin.
Vắc xin cúm
Công dụng: Vắc xin cúm giúp phòng ngừa cúm mùa do virus cúm gây ra, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu.
Độ tuổi khuyến cáo: Có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và tiêm nhắc lại hàng năm để bảo vệ khỏi các chủng virus cúm thay đổi.
Các lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng
Sau khi tiêm chủng, trẻ sơ sinh có thể gặp một số phản ứng nhẹ, điều này là hoàn toàn bình thường. Các triệu chứng thường gặp bao gồm sưng, đau nhẹ, đỏ ửng tại vị trí tiêm, sốt dưới 39°C, hoặc trẻ có thể cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chán ăn. Việc chăm sóc đúng cách sau tiêm rất quan trọng để đảm bảo trẻ hồi phục nhanh chóng.
Dưới đây là một số lưu ý mà ba mẹ cần nắm rõ:
- Để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, ba mẹ nên cho trẻ mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát để hỗ trợ hạ nhiệt cơ thể.
- Đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ. Nếu trẻ còn bú mẹ thì cần tăng cường số lần cho bú để cung cấp đủ nước và dinh dưỡng, giúp trẻ chống lại các triệu chứng mệt mỏi và phục hồi nhanh hơn.
- Nếu trẻ sốt trên 38.5°C, phụ huynh có thể sử dụng thuốc hạ sốt chứa Paracetamol (như Hapacol) theo đúng liều lượng được khuyến cáo dựa trên cân nặng và độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc khi có hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh chạm vào hoặc xoa bóp chỗ tiêm của trẻ. Không nên bôi bất kỳ loại thuốc hay kem nào lên vết tiêm mà không có chỉ định của bác sĩ để tránh gây kích ứng hoặc nhiễm trùng.
- Không nên tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, thuốc ho vì có thể dẫn đến việc tăng quá liều Paracetamol hoặc gây tương tác thuốc không mong muốn.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc phản ứng nghiêm trọng, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
rẻ sơ sinh cần được chăm sóc đúng cách sau tiêm để đảm bảo an toàn (Nguồn ảnh: Internet)
Vì sao cần chích ngừa cho trẻ sơ sinh?
Chích ngừa cho trẻ sơ sinh là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Dưới đây hãy cùng Tiki điểm qua những lý do tại sao việc chích ngừa là điều vô cùng cần thiết.
Phòng ngừa các bệnh nguy hiểm
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị tấn công bởi các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, lao và viêm màng não. Những bệnh này có thể gây tử vong hoặc để lại các biến chứng nghiêm trọng như suy giảm chức năng thần kinh, viêm phổi, hoặc các dị tật về thể chất. Việc chích ngừa giúp trẻ tạo ra kháng thể chống lại các bệnh này, bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu đời dễ bị tổn thương.
Tạo miễn dịch cho cộng đồng
Chích ngừa không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân trẻ mà còn góp phần tạo ra “miễn dịch cộng đồng”. Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi tỷ lệ lớn người dân được tiêm phòng và có kháng thể chống lại một bệnh cụ thể.
Khi phần lớn mọi người được bảo vệ, virus hoặc vi khuẩn không có đủ “nơi” để lây lan, do đó, ngay cả những người không thể tiêm ngừa (như trẻ sơ sinh chưa đủ tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, hoặc những người có phản ứng dị ứng với vắc-xin) cũng được bảo vệ. Do đó, việc tiêm vắc xin cho trẻ em là điều cần thiết để tạo miễn dịch cho cộng đồng.
Giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Việc chích ngừa giúp kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Những bệnh như sởi, quai bị, ho gà trước đây từng là các đại dịch gây tử vong cho hàng triệu trẻ em. Nhờ vào chương trình tiêm chủng, số ca mắc các bệnh này đã giảm đáng kể, thậm chí nhiều bệnh đã được loại trừ ở nhiều quốc gia.
Giảm gánh nặng chi phí y tế
Ông bà xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nếu trẻ mắc phải các bệnh nguy hiểm mà chưa được tiêm phòng, việc điều trị có thể kéo dài và tốn kém, gây áp lực lớn về tài chính cho gia đình. Việc chích ngừa giúp ngăn ngừa bệnh tật và giảm thiểu các chi phí y tế phát sinh do điều trị bệnh hoặc các biến chứng sau bệnh.
Một số bệnh nếu không được phòng ngừa kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, cần điều trị dài hạn hoặc thậm chí là chăm sóc y tế suốt đời. Ví dụ, bệnh bại liệt có thể gây liệt vĩnh viễn, đòi hỏi chi phí phục hồi chức năng lâu dài.
Bảo vệ trẻ trong những năm đầu đời
Giai đoạn sơ sinh và những năm đầu đời là thời kỳ quan trọng khi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Chích ngừa đúng lịch giúp cung cấp cho trẻ sự bảo vệ ngay từ sớm, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và an toàn trong môi trường có nhiều mầm bệnh tiềm ẩn.
Tổng kết
Tiki hy vọng rằng qua bài viết này, các bậc phụ huynh đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các mũi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh. Việc chích ngừa đúng lịch và đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nguy hiểm, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của bé. Đừng quên theo dõi Tiki Blog để có thêm nhiều thông tin hữu ích.