Chăm sóc sức khỏe bà bầu đòi hỏi mẹ và các thành viên trong gia đình phải trang bị kiến thức đầy đủ và áp dụng những biện pháp chăm sóc phù hợp để giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Bài viết sau đây của Tiki Blog sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc đúng cách từ dinh dưỡng cho mẹ đến chế độ sinh hoạt đúng cách. Đón đọc nhé!
Nguyên tắc chung để chăm sóc sức khỏe bà bầu
Muốn có một thai kỳ khỏe mạnh, bà bầu cần nắm vững những nguyên tắc chung được khuyến cáo sau:
Khám thai định kỳ và dinh dưỡng khoa học: Khám thai định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Dinh dưỡng khoa học là yếu tố không thể thiếu, bà bầu cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết thông qua chế độ ăn uống đa dạng, ưu tiên rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Đồng thời, việc bổ sung vi chất như axit folic, sắt, canxi, vitamin D cũng rất quan trọng.
Tập thể dục đúng cách, nghỉ ngơi đầy đủ và vệ sinh cá nhân: Những bài tập nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, việc giữ vệ sinh cá nhân tốt giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và bảo vệ sức khỏe của mẹ.
Tránh các chất kích thích và theo dõi cân nặng thường xuyên: Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu, caffeine và các chất kích thích khác là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Đồng thời, theo dõi cân nặng thường xuyên và làm theo khuyến nghị của bác sĩ để tăng cân phù hợp khi mang thai.
Lịch khám sức khoẻ bà bầu chi tiết
Để giúp các mẹ bầu chủ động trong quá trình theo dõi thai kỳ, dưới đây là bảng tổng hợp lịch khám thai chi tiết, bao gồm các giai đoạn, số lần khám và những lưu ý quan trọng cần nhớ, mẹ tham khảo nhé!
Giai đoạn | Tần suất khám | Lưu ý |
Tam cá nguyệt thứ nhất (0-13 tuần) | 2-3 lần | Khám lần đầu xác định thai kỳ, siêu âm, xét nghiệm Double/Triple test. |
Tam cá nguyệt thứ hai (14-27 tuần) | 2-3 lần | Siêu âm hình thái thai nhi, xét nghiệm máu, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, tiêm phòng uốn ván nếu mẹ chưa tiêm trong 5 năm gần nhất. |
Tam cá nguyệt thứ ba (28-40 tuần) | 4-5 lần | Siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai, đo lượng nước ối, xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B. |
Sau sinh | 1 lần | Khám sau sinh 6 tuần để kiểm tra sức khỏe của mẹ và tư vấn các vấn đề khác sau sinh. |
Cách chăm sóc sức khỏe cho bà bầu khoa học
Để hành trình mang thai diễn ra thuận lợi và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, việc chăm sóc sức khỏe cho bà bầu khoa học trong suốt thai kỳ là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những thông tin chi tiết và hướng dẫn cụ thể:
Bà bầu ăn gì tốt cho sức khỏe?
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Dưới đây là tổng hợp các nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe bà bầu:
Nhóm thực phẩm | Công dụng | Ví dụ |
Thịt nạc | Cung cấp protein, sắt, vitamin B12, choline, giúp phát triển cơ thể và ngăn ngừa thiếu máu. | Thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gà/ vịt |
Cá béo | Cung cấp omega-3 DHA, EPA, giúp phát triển não bộ và thị giác của thai nhi. | Cá hồi, cá thu, cá trích |
Trứng | Cung cấp protein, choline, vitamin D, giúp phát triển não bộ và hệ thần kinh. | Trứng gà, trứng vịt |
Sữa và chế phẩm | Cung cấp canxi, protein, vitamin D, giúp phát triển xương và răng chắc khỏe. | Sữa tươi, sữa chua, phô mai |
Các loại đậu | Cung cấp protein, chất xơ, sắt, folate, giúp ngăn ngừa táo bón, thiếu máu. | Đậu lăng, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành |
Rau xanh đậm | Cung cấp folate, vitamin K, vitamin C, chất xơ, giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, tăng cường miễn dịch. | Rau bina, cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn |
Trái cây tươi | Cung cấp vitamin C, chất xơ, kali, giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ cao huyết áp. | Cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi |
Ngũ cốc nguyên hạt | Cung cấp chất xơ, vitamin B, sắt, magie, giúp ngăn ngừa táo bón, thiếu máu, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ. | Gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám |
Các loại hạt | Cung cấp chất béo lành mạnh, protein, chất xơ, vitamin E, giúp trẻ phát triển não bộ. | Hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt bí |
Bà bầu nên kiêng ăn gì?
Không phải thực phẩm nào cũng an toàn cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ, mẹ cần lưu ý kiêng một số loại thực phẩm sau:
Nhóm thực phẩm nên tránh | Nội dung | Ví dụ thực phẩm nên tránh |
Thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín | Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, tốt nhất nên nấu chín kỹ. | Gỏi cá, tiết canh, sushi, trứng sống, hàu sống. |
Thịt nguội, xúc xích, đồ ăn chế biến sẵn | Tạm thời ưu tiên các món thịt tươi để đảm bảo vệ sinh. | Xúc xích, thịt nguội, patê, thịt hun khói. |
Một số loại rau quả | Để an tâm hơn, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về rau quả nên dùng. | Rau ngót, rau răm, đu đủ xanh, dứa (đặc biệt 3 tháng đầu) |
Đồ uống chứa cồn và caffeine | Hạn chế để bé yêu phát triển tốt nhất. | Rượu, bia, cà phê, trà đặc. |
Thực phẩm cay nóng | Để tránh khó tiêu, mẹ nên chọn các món ăn thanh đạm. | Ớt, tiêu, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào. |
Thực phẩm chứa nhiều đường | Vì sức khỏe của cả mẹ và bé, nên hạn chế đường trong khẩu phần ăn. | Bánh kẹo, nước ngọt, chè, kem. |
Các loại sữa chưa tiệt trùng | Nên ưu tiên sữa tiệt trùng để đảm bảo an toàn. | Sữa tươi chưa tiệt trùng, phô mai từ sữa chưa tiệt trùng. |
Chú ý vệ sinh thân thể
- Ưu tiên tắm bằng nước ấm vừa phải, không quá nóng. Nhẹ nhàng làm sạch vùng kín bằng nước hoặc dung dịch đặc biệt, không rửa kỹ. Đừng quên làm sạch vùng ngực và vùng rốn.
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, súc miệng bằng nước muối và kiểm tra răng thường xuyên để đảm bảo sức khỏe răng miệng.
- Dưỡng ẩm thường xuyên bằng các sản phẩm an toàn cho bà bầu, bảo vệ da kỹ lưỡng khỏi ánh nắng mặt trời và tránh các loại mỹ phẩm có chứa hóa chất độc hại hoặc không rõ nguồn gốc.
- Thay đồ lót thường xuyên, hạn chế sử dụng băng vệ sinh hàng ngày và chọn quần áo rộng rãi, thoáng khí.
Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi
Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với mẹ bầu. Đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm, mệt mỏi thì nghỉ ngơi và ngủ trưa để bổ sung năng lượng. Nên ngủ nghiêng bên trái để tăng cường lưu thông máu cho thai nhi.
Chế độ tập luyện hợp lí
Mặc mang thai khiến mẹ khó khăn trong việc di chuyển, mẹ bầu vẫn nên duy trì tập thể dục đều đặn. Điều này có thể giúp cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên, bạn nên tránh các hoạt động gắng sức, vất vả, đặc biệt là các môn thể thao hoặc các hoạt động gây áp lực lên vùng bụng.
Chế độ làm việc khoa học
Nếu công việc đòi hỏi phải đứng lâu hoặc ngồi thường xuyên, các mẹ tương lai nên tranh thủ nghỉ ngơi trong giờ làm việc. Lên lịch làm việc phù hợp để có thể nghỉ thai sản sớm khi ngày dự sinh đến gần.
Các lưu ý trong quá trình mang thai
Nên lưu ý một số điều sau trong quá trình mang thai:
Điều kiêng kỵ khi mang thai
Mẹ bầu không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hạn chế đi lại bằng máy bay, đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Đồng thời, mẹ bầu cũng nên tránh tiếp xúc với người bệnh, nơi đông người và khói thuốc lá. Mẹ bầu không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc thảo dược, hạn chế nhuộm tóc, làm móng tay, xông hơi, tắm nước quá nóng, tiếp xúc với hóa phẩm.
Khi nào nên đến bác sĩ?
Trước hết, ngay khi biết hoặc nghi ngờ mình có thai, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra ngay. Sau đó, mẹ nên đi khám thai định kì. Đặc biệt, bạn không nên bỏ qua những cột mốc quan trọng như sàng lọc dị tật thai nhi, siêu âm hình thái, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ…
Ngoài ra, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu bất thường và đi khám ngay khi phát hiện. Có thể là chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội, thai nhi cử động ít hoặc không cử động, bị phù nề, tăng cân bất thường, sốt cao, nhức đầu dữ dội, ốm nghén nhiều, mờ mắt, khó thở…
Chuẩn bị ngày sắp sinh
Ngày chuyển dạ đến gần, mẹ bầu cần chuẩn bị thật kỹ kiến thức, tài liệu. Nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ, các phương pháp giảm đau và lựa chọn bệnh viện uy tín. Chuẩn bị sẵn đồ dùng cho mẹ và bé, chuẩn bị sẵn CMND/ CCCD và các vật dụng cần thiết khác. Điều quan trọng nhất là mẹ bầu nên giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống lành mạnh.
Các thắc mắc khi chăm sóc sức khỏe bà bầu
Nên tăng bao nhiêu cân khi mang thai?
Mục tiêu tăng cân của mỗi người khi mang thai là khác nhau, tùy thuộc vào cân nặng và tình trạng dinh dưỡng trước đó. Trung bình, phụ nữ mang thai nên tăng khoảng 11-14 kg. Nếu bạn thiếu cân, bạn có thể cần phải tăng cân và ngược lại.
Có thể uống thuốc trong khoảng thời gian mang thai hay không?
Khi mang thai, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn, vitamin. Một số loại thuốc có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu.
Có thể sinh hoạt vợ chồng khi mang thai hay không?
Sinh hoạt vợ chồng khi mang thai nói chung là an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể ảnh hưởng đến ham muốn và khi bụng bạn to lên, bạn nên thử những tư thế phù hợp.
Chăm sóc sức khỏe bà bầu là một hành trình quan trọng, đòi hỏi sự hiểu biết và chuẩn bị kỹ lưỡng. Bằng việc lắng nghe cơ thể, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và trang bị kiến thức đầy đủ, mẹ bầu có thể tự tin vượt qua mọi thử thách, tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc khi mang thai và chào đón thiên thần nhỏ một cách an toàn, khỏe mạnh. Cảm ơn bạn đã đọc trọn vẹn bài viết của Tiki!
Xem thêm: