Các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh như rôm sảy, viêm da, chàm sữa… là mối lo ngại của nhiều bậc cha mẹ vì làn da trẻ lúc này rất dễ tổn thương. Thấu hiểu điều đđó, bài viết sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về các loại bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ, cách phòng ngừa và chăm sóc để giúp làn da bé luôn khỏe mạnh, mịn màng.
Vì sao trẻ sơ sinh thường bị bệnh da liễu?
Da của trẻ sơ sinh vốn rất mỏng manh và nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như môi trường, vi khuẩn, nhiệt độ, hay hóa chất. Chính vì thế ở giai đoạn đầu đời, trẻ rất dễ gặp các bệnh liên quan đến da liễu. Từ những bệnh phổ biến như rôm sảy, chàm sữa, viêm da, đến các bệnh ít gặp hơn nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bé.
Việc nhận biết và điều trị sớm các bệnh da liễu ở trẻ không chỉ giúp làm giảm khó chịu, đau đớn cho bé mà còn ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn trong tương lai. Hiểu rõ nguyên nhân và cách chăm sóc đúng cách không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng này mà còn bảo vệ làn da non nớt của bé, giúp bé luôn khỏe mạnh và thoải mái trong quá trình phát triển.

7 bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Dưới đây là một số bệnh da liễu thường gặp ở trẻ em mà ba mẹ nên biết để nhận diện và có phương pháp xử lý phù hợp. Việc hiểu rõ từng loại bệnh và áp dụng các biện pháp chăm sóc kịp thời sẽ giúp bé giảm khó chịu, tránh được nguy cơ biến chứng, và bảo vệ làn da non nớt trong giai đoạn đầu đời.
Rôm sảy
Rôm sảy thường xảy ra khi mồ hôi không thoát ra ngoài được do lỗ chân lông bị tắc nghẽn, đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm hoặc khi trẻ mặc quá nhiều lớp quần áo.
Triệu chứng: Các nốt đỏ li ti hoặc mụn nước nhỏ xuất hiện trên da, thường là ở vùng cổ, vai, ngực, lưng và nách, gây ngứa và khó chịu cho bé.
Cách chăm sóc và điều trị:
- Tắm cho bé bằng nước mát, có thể dùng nước ấm pha chút muối loãng hoặc lá chè xanh để làm dịu da.
- Tránh mặc đồ quá dày cho bé, ưu tiên quần áo thoáng mát, chất liệu cotton thấm hút tốt.
- Không bôi các loại kem hay dầu lên da bé nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
- Đảm bảo môi trường xung quanh thoáng mát và tránh cho bé ra ngoài khi trời quá nóng.

Bệnh nấm da
Nấm da là một bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh, do các loại nấm như Trichophyton hoặc Microsporum gây ra. Bệnh này có thể xảy ra trên nhiều vùng da khác nhau và thường xuất hiện dưới dạng các mảng đỏ, ngứa, có thể có vảy hoặc mụn nước.
Triệu chứng:
- Mảng đỏ trên da, thường có hình dạng tròn hoặc oval, có thể có viền rõ ràng.
- Trẻ cảm thấy ngứa hoặc khó chịu ở vùng da bị nấm.
- Xuất hiện các mụn nước nhỏ hoặc lớp vảy trên bề mặt da.
- Có thể có hiện tượng nổi mẩn ở các khu vực khác nhau, đặc biệt là ở các vùng ẩm ướt như kẽ tay, kẽ chân hoặc dưới nách.
Cách điều trị:
- Bác sĩ kê đơn thuốc bôi chứa các thành phần kháng nấm như clotrimazole hoặc miconazole.
- Giữ cho vùng da sạch sẽ và khô ráo, tránh để trẻ mặc đồ ẩm ướt.
- Nếu triệu chứng không cải thiện sau vài ngày hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (như mủ, sốt), bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị thích hợp.
Hăm tã
Hăm tã là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh khi da tiếp xúc lâu với độ ẩm từ nước tiểu, phân, hoặc tã chưa thay kịp thời, khiến da bị kích ứng và viêm.
Triệu chứng: Vùng da dưới tã bị đỏ, có thể xuất hiện mụn nhỏ hoặc vùng da rát, gây khó chịu cho trẻ.
Cách chăm sóc và điều trị:
- Thay tã cho bé thường xuyên, làm sạch và lau khô vùng da trước khi mặc tã mới.
- Sử dụng kem chống hăm có chứa oxit kẽm để tạo một lớp màng bảo vệ da bé.
- Cho bé thời gian “thoáng da” mà không mặc tã khi có thể, giúp vùng da thoáng khí.
- Nếu tình trạng da không cải thiện thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để điều trị phù hợp.

Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là một bệnh da mãn tính phổ biến, thường bị khi bé được 2-10 tuần tuổi và có thể tự khỏi khi bé được 8-12 tháng tuổi, mặc dù bệnh có khả năng tái phát khi bước vào tuổi dậy thì.
Bệnh thường xuất hiện ở các khu vực như vùng tã lót, mặt, các nếp gấp (vùng sau tai, nách, bẹn) và đỉnh đầu. Ở những vị trí này, viêm da tiết bã gây ra các mảng vảy nhờn, dính trên đỉnh đầu, sau đó lan dần khắp da đầu và tạo hình ảnh như chiếc mũ, thường được gọi là “cứt trâu”.
Triệu chứng: Các mảng vảy màu vàng nhạt, bám chặt vào da đầu, trông như vảy nến, nhưng thường không gây ngứa hay đau.
Cách chăm sóc và vệ sinh cho trẻ:
- Sử dụng dầu ô-liu hoặc dầu dừa, bôi nhẹ lên vùng da đầu có cứt trâu, để trong 15-20 phút để làm mềm vảy, sau đó dùng khăn ẩm lau nhẹ.
- Gội đầu cho bé bằng dầu gội dịu nhẹ, không chứa hóa chất mạnh, sau đó chải tóc nhẹ nhàng để loại bỏ các mảng vảy.
- Không cào mạnh hay bóc vảy, vì có thể làm tổn thương da đầu của bé.
- Nếu tình trạng không cải thiện thì ba mẹ tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng sản phẩm chăm sóc da đầu chuyên dụng.
Mề đay
Mề đay là một phản ứng da phổ biến do dị ứng, gây ra các nốt sần ngứa, đỏ, nổi lên trên bề mặt da. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và thường là do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với một số tác nhân gây dị ứng.
Nguyên nhân gây mề đay:
- Trẻ bị dị ứng với một số loại thức ăn như sữa, trứng, hải sản, đậu phộng.
- Một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc vắc xin có thể gây dị ứng ở trẻ.
- Thời tiết lạnh, nóng, hoặc ẩm, phấn hoa, lông thú cưng, bụi bẩn.
- Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.
- Căng thẳng, stress,..
Triệu chứng của mề đay:
- Xuất hiện các nốt sần đỏ, ngứa, có thể nổi thành từng mảng, rải rác trên da hoặc tập trung thành vùng.
- Các nốt mề đay có thể xuất hiện nhanh và biến mất trong vòng vài giờ hoặc kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
- Nếu mề đay nghiêm trọng, bé có thể gặp các triệu chứng khác như sưng môi, mí mắt hoặc khó thở (phản ứng phản vệ).
Cách chăm sóc và điều trị mề đay:
- Theo dõi và tránh những yếu tố nghi ngờ gây dị ứng ở trẻ, chẳng hạn như thực phẩm mới, thuốc hoặc thay đổi đột ngột về thời tiết.
- Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamine để giảm ngứa và sưng. Trong trường hợp nặng thì có thể cần đến các loại thuốc khác như corticoid, nhưng chỉ sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm, tránh dùng xà phòng mạnh, thoa kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng để làm dịu da.
- Nếu trẻ bị dị ứng với thực phẩm, cần loại bỏ hoặc thay đổi chế độ ăn phù hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu thấy trẻ khó thở, sưng tấy nghiêm trọng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức vì có thể đó là dấu hiệu của phản ứng phản vệ.

Vàng da
Vàng da là tình trạng da và lòng trắng mắt của trẻ sơ sinh chuyển sang màu vàng do sự tích tụ bilirubin trong máu. Tình trạng này thường xảy ra trong những ngày đầu sau sinh và có thể được chia thành hai loại:
- Vàng da sinh lý: Thường xuất hiện ở hầu hết trẻ sơ sinh trong 2-3 ngày đầu và tự khỏi trong 1-2 tuần khi gan phát triển hoàn thiện.
- Vàng da bệnh lý: Có thể do nhóm máu không tương thích, nhiễm trùng, hoặc rối loạn gan. Nếu không được điều trị, mức bilirubin cao có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng:
- Da trẻ chuyển sang màu vàng, thường bắt đầu từ đầu và lan xuống dưới.
- Vàng lòng trắng mắt.
Cách chăm sóc và điều trị vàng da:
- Đối với vàng da sinh lý, bác sĩ sẽ theo dõi mức bilirubin và tình trạng của trẻ. Nếu mức bilirubin không quá cao và trẻ có sức khỏe tốt thì thường không cần điều trị.
- Nếu mức bilirubin tăng cao, trẻ có thể được điều trị bằng ánh sáng xanh, giúp làm giảm bilirubin trong máu.
- Đối với trẻ bú mẹ, khuyến khích mẹ cho bé bú thường xuyên hơn để tăng cường quá trình loại bỏ bilirubin. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên mẹ tạm ngừng cho bé bú nếu có nghi ngờ về vàng da do dị ứng hoặc nhiễm trùng.
- Nếu vàng da là triệu chứng của một bệnh lý khác thì cần phải điều trị nguyên nhân gốc để giảm mức bilirubin.
Chàm sữa
Chàm sữa (hay còn gọi là lác sữa) là bệnh da liễu phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh chàm thể tạng. Khi mới phát bệnh, trẻ sẽ xuất hiện nốt hồng, sau đó chuyển thành mụn nước màu đỏ, gây nứt da, tiết dịch và tạo thành vảy bong tróc.
Chàm sữa thường xuất hiện trên mặt, hai má, rồi có thể lan ra tay, chân và toàn thân. Tình trạng này có khả năng tự khỏi khi trẻ đạt 2-4 tuổi. Tuy nhiên, nếu đến độ tuổi này mà vẫn chưa khỏi thì trẻ có nguy cơ mắc chàm thể tạng.
Mặc dù chàm sữa không gây nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể trở nên khó điều trị.
Triệu chứng:
- Thường xuất hiện ở trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Xuất hiện tại các khu vực trên mặt, hai má, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể, tay chân.
- Ban đầu có nốt mẩn đỏ, sau đó chuyển thành mụn nước nhỏ màu đỏ, gây nứt da, đóng vảy và bong tróc.
- Vùng da bị chàm trở nên thô ráp, có vảy li ti, khô và căng.
- Một số trẻ có thể xuất hiện kèm theo triệu chứng dị ứng như hen suyễn hoặc viêm mũi.
- Trẻ cảm thấy khó chịu, khó ngủ, quấy khóc và bỏ bú.
- Trẻ bị ngứa và gãi liên tục vào vùng da bị chàm, dẫn đến mụn nước bị vỡ và chảy máu.
Cách chăm sóc và điều trị chàm sữa:
- Tắm cho trẻ thường xuyên bằng nước ấm, sử dụng xà phòng nhẹ nhàng để loại bỏ dầu thừa và vảy nhờn.
- Sau khi tắm, thoa kem dưỡng ẩm nhẹ để giữ cho da ẩm và mềm mại.
- Tránh để trẻ gãi vào vùng da bị ảnh hưởng vì việc này có thể gây viêm nhiễm.
- Nếu chàm sữa không cải thiện hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (như mưng mủ) thì ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị thích hợp.
Tổng kết
Các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ mà còn khiến nhiều bậc phụ huynh “đứng ngồi không yên”. Thông qua bài viết hôm nay, Tiki hi vọng ba mẹ có thể nhận biết các triệu chứng của những bệnh này để có thể xử lý kịp thời. Đồng thời đừng quên ghé thăm Tiki Blog để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe và chăm sóc trẻ em.