Lạm phát là gì và làm thế nào để bảo vệ tài sản trong bối cảnh này? Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống của từng gia đình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá nguyên nhân, thực trạng lạm phát hiện nay và những biện pháp giúp bạn bảo vệ tài sản hiệu quả. Cùng Tiki tìm hiểu ngay!
Lạm phát là gì? Ví dụ về lạm phát dễ hiểu
Định nghĩa về lạm phát
Lạm phát là thuật ngữ trong kinh tế học dùng để chỉ sự gia tăng liên tục của mức giá chung các hàng hóa và dịch vụ qua thời gian, so với cùng kỳ năm trước. Khi giá trị hàng hóa và dịch vụ tăng, sức mua của đồng tiền giảm, khiến người tiêu dùng có thể mua ít hàng hóa hơn với cùng một số tiền. Để đánh giá tình trạng lạm phát, người ta so sánh giá cả của các hàng hóa tại hai thời điểm khác nhau, giả sử chất lượng không thay đổi.
Đây là một định nghĩa dựa trên biểu hiện của lạm phát. Một số nhà kinh tế học đã đề xuất cách tiếp cận theo nguyên nhân gây ra lạm phát. K.Marx cho rằng lạm phát là sự tràn ngập của tiền giấy vượt nhu cầu lưu thông hàng hóa, dẫn đến mất giá đồng tiền và phân phối lại thu nhập quốc dân. M. Friedman, đại diện của trường phái tiền tệ, cho rằng lạm phát chỉ xảy ra khi lượng tiền tăng nhanh hơn sản lượng.
Nhiều học giả Việt Nam ủng hộ quan điểm này, tuy nhiên vàn đề là chỉ khi xác định được nguyên nhân cụ thể, chúng ta mới có thể đưa ra định nghĩa về lạm phát. Nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau gây lạm phát, thì không thể có một định nghĩa chung. Lịch sử cho thấy lạm phát đôi khi không liên quan đến việc phát hành tiền quá mức, như trong trường hợp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi thu hoạch vàng từ châu Mỹ, khiến giá cả ở châu Âu tăng nhanh.
Nhà kinh tế Eckstein lại có một quan điểm khác: Lạm phát cơ bản diễn ra trên quỹ đạo tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, khi không bị ảnh hưởng bởi các cú sốc hoặc sự mất cân bằng trong các thị trường. Điều này phản ánh xu hướng tăng giá chung ổn định của hàng hóa và dịch vụ trong dài hạn, chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn.
Từ các quan điểm trên, có thể hiểu về lạm phát như sau: Lạm phát là hiện tượng tiền tệ khi lượng tiền phát hành vượt quá nhu cầu lưu thông, làm tăng giá liên tục và kéo dài, dẫn đến mất giá tiền tệ so với hàng hóa, ngoại tệ và vàng.
Ví dụ về lạm phát
- Giá thực phẩm: Năm 2010, một bát phở có giá khoảng 15.000 VNĐ. Tuy nhiên, đến năm 2024, giá của bát phở tương tự đã tăng lên 35.000 VNĐ.
- Giá vé xem phim: Vào năm 2010, giá vé xem phim là 30.000 VNĐ. Đến năm 2023, giá vé trung bình đã tăng lên 65.000 VNĐ.
- Giá mì tôm: Trước đây, một gói mì tôm có giá 3.500 VNĐ. Đến năm 2024, giá của gói mì tôm đó đã tăng lên 5.000 VNĐ.
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Lạm phát có thể do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cầu kéo, chi phí đẩy và lạm phát ì:
- Lạm phát do cầu kéo: Khi tổng cầu trong nền kinh tế tăng mạnh, vượt qua sản lượng tiềm năng, khiến cho nguồn cung trở nên hạn chế. Thị trường lao động đạt trạng thái cân bằng và khi cầu vượt cung, người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều hơn để sở hữu hàng hóa. Điều này đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, dẫn đến lạm phát.
- Lạm phát do chi phí đẩy: Lạm phát này phát sinh từ sự tăng cao của các chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu (xăng, dầu, điện…), hoặc vật tư cơ bản. Khi các chi phí này tăng, giá vốn hàng hóa cũng tăng, khiến giá cả thị trường của các sản phẩm tăng theo. Nếu nguyên nhân liên quan đến nhiên liệu, tác động sẽ càng mạnh mẽ. Khi tổng cầu không đổi nhưng giá cả tăng, sản lượng giảm xuống, dẫn đến hiện tượng “đình lạm” – tình trạng vừa lạm phát vừa đình trệ sản xuất, khi các doanh nghiệp không thể đáp ứng với chi phí đầu vào tăng cao và nhà nước đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.
- Lạm phát ì: Khi tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức vừa phải và có xu hướng ổn định, lạm phát ì xảy ra. Trong giai đoạn này, tổng cung và tổng cầu dịch chuyển với tốc độ giống nhau, giá cả tăng đều đặn nhưng không quá mạnh. Sản lượng giữ ở mức ổn định, dẫn đến tỷ lệ lạm phát không tăng cao và duy trì trong một thời gian dài.

Các loại lạm phát hiện nay
Lạm phát được chia thành ba loại chính dựa vào tỷ lệ lạm phát:
- Lạm phát thấp: Đây là loại lạm phát có tỷ lệ rất nhỏ, thường bằng 0 hoặc chỉ số dương nhỏ dưới 3%. Lạm phát thấp không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, chủ yếu để phân biệt với giảm phát. Trong thời kỳ này, giá cả vẫn giữ ổn định.
- Lạm phát vừa phải: Còn được gọi là lạm phát một con số, xảy ra khi tốc độ tăng giá ở mức một con số, tức từ 3% đến 10% mỗi năm. Trong giai đoạn này, giá cả biến động nhẹ, lãi suất tiền gửi không quá cao và không xảy ra hiện tượng mua bán tích trữ hàng hóa. Mặc dù giá trị tiền tệ có thể thay đổi, nhưng nền kinh tế vẫn tương đối ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển xã hội.
- Lạm phát cao: Là lạm phát từ hai con số trở lên. Lạm phát cao bao gồm hai dạng chính: lạm phát phi mã (lạm phát hai con số) và siêu lạm phát (lạm phát ba con số trở lên). Lạm phát phi mã có thể làm cho người dân chuyển sang sử dụng ngoại tệ mạnh để thanh toán các giao dịch lớn. Nếu kéo dài, nó có thể gây biến dạng nghiêm trọng trong nền kinh tế.
Siêu lạm phát xảy ra khi tỷ lệ lạm phát tăng đột biến với tốc độ rất cao, khiến tốc độ lưu thông tiền tệ và giá cả tăng nhanh và không ổn định. Tiền lương thực tế giảm mạnh, tiền tệ mất giá nhanh chóng và các yếu tố thị trường bị biến dạng, dẫn đến tình trạng rối loạn trong sản xuất và kinh doanh. Siêu lạm phát có thể phá hủy hoàn toàn nền kinh tế của một quốc gia.
Một ví dụ điển hình là vào năm 1913, trước khi Chiến tranh Thế giới nổ ra, một USD có giá trị tương đương với 4 mark Đức. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, một USD có thể đổi được đến 4 tỷ mark. Thời điểm đó, báo chí còn đăng các bức tranh biếm họa về tình trạng này, như cảnh một người đẩy xe tiền đến chợ chỉ để mua một chai sữa, hay dùng đồng mark Đức làm giấy dán tường hoặc nhiên liệu.

Tiêu chí đo lường lạm phát
Cách xác định tỷ lệ lạm phát được thực hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chỉ số CPI tính toán theo tỷ lệ tăng hoặc giảm giá của một giỏ hàng hóa cụ thể. Số lượng và loại hàng hóa trong giỏ được lựa chọn có thể khác nhau tùy theo tiêu chí của từng quốc gia. Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê tính CPI dựa trên 752 loại hàng hóa và dịch vụ.
Mặc dù số lượng hàng hóa tính CPI có thể thay đổi, nhưng công thức tính tỷ lệ lạm phát vẫn thống nhất:
Tỷ lệ lạm phát kỳ hiện tại = (Giá trị chỉ số CPI cuối cùng / Giá trị CPI ban đầu) x 100
Ví dụ: CPI năm 2022 là 108, CPI năm 2021 là 103. Tỷ lệ lạm phát năm 2022 so với năm 2021 được tính như sau:
(108−103)/103×100=4.85%

Tỷ lệ lạm phát Việt Nam năm 2024
Theo Nghị quyết 103/2023/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tính chung trong 9 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ trong nhóm ăn uống, đặc biệt là giá gạo trong nước tăng theo xu hướng giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ Tết. Ngoài ra, giá thịt lợn, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng có sự tăng giá.
Mặt khác, trong năm học 2023-2024 và 2024-2025, nhiều địa phương đã tăng học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Giá dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, đồng thời bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.
Hậu quả của lạm phát
Tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội
Lạm phát chắc chắn có ảnh hưởng rõ rệt đến nền kinh tế và người dân, đặc biệt là khi xảy ra siêu lạm phát và lạm phát phi mã. Khi giá cả tăng nhanh chóng, sự phân phối của cải trong xã hội trở nên mất công bằng, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng và mức độ đóng góp của mỗi cá nhân.
Ngoài ra, người dân mất niềm tin vào đồng nội tệ, dẫn đến việc chuyển dịch mạnh mẽ đầu tư sang các tài sản khác như hàng hóa vàng, ngoại tệ hoặc các thị trường ổn định hơn.
Mặc dù giá cả tăng cao, nhưng không đồng đều giữa các ngành và mặt hàng, dẫn đến sự biến động trong cơ cấu sản xuất và tình hình việc làm trong xã hội. Điều này gây xáo trộn trật tự kinh tế khi nguồn lực tập trung nhiều hơn vào các ngành có mức giá tăng cao. Kết quả là, giá cả càng bị đẩy lên cao và mức độ lạm phát càng gia tăng.
Tác động tích cực khi lạm phát vừa phải
Lạm phát ở mức vừa phải giúp tạo ra sự tăng trưởng nhẹ về giá cả. Các doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận ổn định hơn, từ đó duy trì hoạt động. Người lao động cũng nhận được thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, đồng thời có cơ hội nỗ lực làm việc và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Giải pháp để giải quyết lạm phát
Giảm bớt lượng tiền mặt trong lưu thông
Khi tiền được bơm quá nhiều vào nền kinh tế, giá trị đồng tiền sẽ giảm sút. Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, cần ngừng bơm thêm tiền vào nền kinh tế và giảm lượng tiền mặt trong lưu thông. Một số biện pháp có thể áp dụng là nâng lãi suất tiền gửi ngân hàng và lãi suất tái chiết khấu, khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, từ đó làm giảm lượng tiền mặt trong lưu thông.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Một nguyên nhân chính gây ra lạm phát là do sự mất cân đối giữa cung và cầu, khi cung không đáp ứng đủ cầu. Để giảm lạm phát, cần phải tăng cường sản xuất và kinh doanh để đảm bảo cung cấp hàng hóa đủ cho nhu cầu tiêu dùng. Việc đảm bảo cung cấp đúng mức sẽ giúp ổn định giá cả và giảm bớt sự chênh lệch giữa cung và cầu, từ đó giảm tỷ lệ lạm phát.

Đọc sách “Đánh bại lạm phát” để hiểu sâu về lạm phát
Cuốn sách Đánh bại lạm phát mang đến những kiến thức sâu sắc về cách thức lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân. Tác giả không chỉ phân tích nguyên nhân gây ra lạm phát mà còn chỉ ra những biện pháp, chiến lược để phòng tránh và vượt qua sự tác động tiêu cực của hiện tượng này.
Qua đó, cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ hơn về các yếu tố tác động đến sức mua và đưa ra các phương pháp quản lý tài chính thông minh trong bối cảnh kinh tế biến động. Đây là một tài liệu quý giá cho những ai mong muốn nắm vững cách thức đối phó với lạm phát và bảo vệ tài sản cá nhân.
>> Tham khảo sách về lạm phát giá tốt tại Tiki

Lạm phát là gì và các biện pháp đối phó với nó đã được làm rõ trong bài viết này. Hy vọng các bạn đã có thêm cho mình thông tin hữu ích qua bài viết của Tiki Blog. Hãy ghé thăm Tiki và khám phá thêm các giải pháp tài chính hiệu quả nhé!
Xem thêm: