Chủ Nhật, Tháng Tư 27, 2025

Trang chủMẹ & BéLịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh đầy đủ mà ba mẹ...

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh đầy đủ mà ba mẹ nên biết

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh là điều mà phụ huynh nên nắm rõ để giúp trẻ tránh khỏi các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bài viết sẽ giúp ba mẹ cập nhật lịch tiêm vắc xin cho trẻ em chi tiết và đầy đủ nhất theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.

Trẻ sơ sinh cần tiêm các mũi vắc xin nào?

Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin phòng bệnh lao và vắc xin viêm gan B ngay trong 24 giờ đầu tiên. Khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi thì phụ huynh cần cho trẻ tiêm các loại vắc xin như: vắc xin 6 trong 1 phòng bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván – bại liệt – viêm gan B, Hib và vắc xin bại liệt. Ngoài ra, trẻ cũng nên được uống vắc xin phòng tiêu chảy Rotavirus trong giai đoạn từ 6 tuần tuổi.

Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng cúm mùa và não mô cầu nhóm BC. Đến khi được 9 tháng tuổi, phụ huynh cho trẻ tiêm vắc xin phòng sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản và vắc xin não mô cầu. Khi trẻ bước vào giai đoạn 12 tháng tuổi, cần tiếp tục tiệm các loại vắc xin khác như: vắc xin thủy đậu, vắc xin sởi – quai bị – rubella và vắc xin viêm não Nhật Bản.

Trẻ sơ sinh cần được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh để có thể phát triển toàn diện (Nguồn ảnh: Internet)

Lịch tiêm phòng trẻ sở sinh từ 0-12 tháng tuổi

STTTuổiVắc xin
1Sơ sinhTiêm vắc xin Viêm gan B mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinhTiêm vắc xin phòng bệnh lao BCG
202 thángTiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 1 (vắc xin 5 trong 1)Uống vắc xin bại liệt lần 1
303 thángTiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 2Uống vắc xin bại liệt lần 2
404 thángTiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 3Uống vắc xin bại liệt lần 3
509 thángTiêm vắc xin sởi mũi 1
618 thángTiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR)
7Từ 12 tháng tuổiTiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2 (hai tuần sau khi tiêm mũi 1)Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau khi tiêm mũi 2)

Ngoài các loại vắc xin cần thiết cho trẻ nhỏ thì dưới đây là lịch tiêm cho các loại vắc xin trong chương trình mở rộng mà phụ huynh cũng cần nắm rõ.

Vắc xin phòng thủy đậu (Varicella)

  • Tiêm từ 12 tháng tuổi trở lên.
  • Trẻ em từ 1-12 tuổi: tiêm 1 liều.
  • Trẻ em trên 12 tuổi trở lên: tiêm 2 liều, cách nhau từ 4 đến 8 tuần.

Vắc xin phòng 3 bệnh: sởi – quai bị – rubella (MMR)

  • Mũi 1: khi trẻ 12-15 tháng tuổi.
  • Mũi 2: từ 4-6 tuổi (hoặc cách mũi 1 ít nhất 4 tuần).

Vắc xin phòng viêm gan A hoặc A+B

  • Viêm gan A: 2 liều, cách nhau 6-18 tháng. Bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi trở lên.
  • Viêm gan A+B: Tiêm 3 liều (0-1-6 tháng) cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

Vắc xin phòng viêm não mô cầu nhóm B+C

  • Tiêm từ 6 tháng tuổi trở lên, 2 liều cách nhau 2 tháng.

Vắc xin phòng viêm não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa (Pneumococcal – Phế cầu khuẩn)

  • Tiêm từ 6 tuần tuổi trở lên.
  • Trẻ dưới 2 tuổi: Tiêm 3 liều vào lúc 2, 4, 6 tháng và nhắc lại lúc 12-15 tháng tuổi.

Vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus

  • Bắt đầu tiêm khi trẻ được 6 tuần tuổi.
  • Có thể tiêm 2 hoặc 3 liều tùy từng loại vắc xin. Các liều cần được tiêm cách nhau tối thiểu 4 tuần, hoàn tất tiêm vắc xin tiêu chảy trước 6 tháng tuổi.

Vắc xin phòng cúm

  • Tiêm hằng năm, bắt đầu khi trẻ được từ 6 tháng tuổi trở lên.

Lưu ý khi tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh

Việc tiêm ngừa vắc xin cho trẻ em rất quan trọng để bảo vệ các em khỏi các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý một số điều trước và sau khi tiêm cho trẻ để đảm bảo an toàn cho các bé.


  • Trước khi tiêm, trẻ cần được kiểm tra sức khỏe, đảm bảo không bị sốt cao hoặc mắc bệnh cấp tính. 
  • Nếu trẻ có tiền sử dị ứng hoặc đang trong thời gian dùng thuốc thì phụ huynh cần thông báo trước cho bác sĩ.
  • Tại trung tâm tiêm chủng, phụ huynh cần hỏi kỹ bác sĩ về loại vắc xin, các tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm và cách xử lý. 
  • Sau khi tiêm xong, cần theo dõi trẻ tại trung tâm trong ít nhất 15-30 phút và tiếp tục quan sát tại nhà trong 24-48 giờ. 
  • Nếu trẻ bị sốt, cha mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ và chườm ấm nhẹ nhàng tại chỗ tiêm để giảm sưng. 
  • Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường như sốt cao trên 39°C, khó thở, toàn thân tím tái, co giật hoặc khóc liên tục hơn 3 giờ thì cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra. 
  • Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần ghi nhớ lịch tiêm nhắc lại để đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin cần thiết.
Các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý theo dõi trẻ sau khi tiêm để tránh các tác dụng phụ đáng tiếc (Nguồn ảnh: Internet)

Các trường hợp không nên tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh

Mặc dù vắc xin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ sơ sinh nhưng cũng có một số trường hợp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiêm để đảm bảo an toàn. 

Dưới đây là một số trường hợp không nên tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh hoặc cần trì hoãn tiêm mà phụ huynh phải đặc biệt lưu ý:

  • Trẻ có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) với các thành phần của vắc xin sau lần tiêm trước đó thì không nên tiêm loại vắc xin đó nữa.
  • Nếu trẻ đang bị sốt cao, ốm nặng, đang dùng thuốc thì cần hoãn tiêm cho đến khi sức khỏe của bé hoàn toàn hồi phục. Đối với các bệnh nhẹ như cảm cúm thông thường hoặc sốt nhẹ thì nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định.
  • Hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm do mắc các bệnh lý như nhiễm HIV/AIDS nặng, ung thư, hoặc đang điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch (như hóa trị liệu hoặc dùng corticosteroid liều cao) thì không nên tiêm một số loại vắc xin sống như vắc xin thủy đậu, MMR (sởi – quai bị – rubella).
  • Nếu trẻ vừa truyền máu hoặc sử dụng các sản phẩm từ máu thì cần hoãn tiêm một số loại vắc xin như MMR, thủy đậu,…ít nhất 3 tháng để đảm bảo hiệu quả của vắc xin được tốt nhất.
  • Nếu trẻ có phản ứng nghiêm trọng sau lần tiêm trước, như co giật, sưng tấy tại chỗ tiêm, khó thở, tím tái thì cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiêm mũi tiếp theo.
  • Nếu trẻ mắc các bệnh lý thần kinh như co giật không kiểm soát hoặc các bệnh lý thần kinh tiến triển (như viêm não, hội chứng Guillain-Barré), phụ huynh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiệm vắc xin cho trẻ.
  • Phụ huynh cần lưu ý một số vắc xin được khuyến cáo không nên tiêm cho trẻ sơ sinh dưới độ tuổi nhất định. Ví dụ: vắc xin MMR nên tiêm sau 12 tháng tuổi, vắc xin Rotavirus chỉ nên tiêm khi trẻ dưới 8 tháng tuổi.
Cần lưu ý các trường hợp không nên tiêm chủng cho trẻ sơ sinh để đảm bảo an toàn (Nguồn ảnh: Internet)

Quá lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh có sao không?

Nếu bạn quên lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh thì điều đầu tiên là bạn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được tư vấn và tiến hành tiêm bổ sung. Việc tiêm ngừa đúng lịch là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm, nhưng nếu bị lỡ, bạn không nên quá lo lắng vì hầu hết các loại vắc xin vẫn có thể tiêm bù mà không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ. 

Vậy nên nếu nhỡ lịch tiêm của con, các bậc phụ huynh cần phải:

Liên hệ với cơ sở y tế hoặc bác sĩ ngay lập tức

Hãy gọi hoặc đến trung tâm tiêm chủng nơi bạn tiêm cho trẻ để thông báo về việc lỡ lịch và xin tư vấn từ bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định vắc xin nào đã lỡ và xây dựng lịch tiêm bù phù hợp.

Tiêm bù vắc xin càng sớm càng tốt

Không cần phải bắt đầu lại từ đầu đối với những vắc xin đã tiêm. Bạn chỉ cần tiếp tục tiêm các liều tiếp theo theo lịch tiêm bù do bác sĩ đề xuất. Hầu hết các vắc xin đều có khoảng cách an toàn giữa các liều, vì vậy việc tiêm bù sẽ đảm bảo hiệu quả.

Xem xét lại lịch tiêm mới

Bác sĩ sẽ sắp xếp lại thời gian tiêm các vắc xin tiếp theo. Bạn cần tuân thủ nghiêm túc lịch mới này để đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ. Một số vắc xin có thể cần phải điều chỉnh khoảng cách giữa các liều để đạt hiệu quả tối ưu.

Theo dõi sức khỏe trẻ sau khi tiêm bù

Sau khi tiêm bù, ba mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ như các lần tiêm bình thường. Các phản ứng sau tiêm như sốt nhẹ, sưng đỏ tại chỗ tiêm hay quấy khóc đều có thể xảy ra và cần được chăm sóc phù hợp.

Nếu lỡ lịch tiêm phòng cho con thì vẫn có thể tiêm bù mà không lo ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc xin (Nguồn: Internet)

Sử dụng các ứng dụng hỗ trợ cập nhật lịch tiêm phòng

Để tránh lỡ lịch tiêm phòng vắc xin cho trẻ trong tương lai, bạn có thể sử dụng các ứng dụng mobile, sổ theo dõi sức khỏe hoặc nhờ trung tâm tiêm chủng nhắc nhở lịch tiêm qua tin nhắn SMS. Điều này sẽ giúp bạn có thể dễ dàng theo dõi và tuân thủ chính xác lịch tiêm phòng cho trẻ.

Sử dụng các loại vắc xin phối hợp

Một số loại vắc xin phối hợp có khả năng giúp giảm số lần tiêm và tối ưu lịch tiêm bù, giúp tiết kiệm thời gian và giảm bớt đau đớn, sợ hãi cho trẻ. Phụ huynh quên lịch tiêm của bé có thể tham khảo các loại vắc xin này.

Tổng kết

Trên đây là những thông tin liên quan đến lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh theo quy định của Bộ Y Tế mà Tiki muốn chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng đây sẽ là nguồn hành trang kiến thức hữu ích để các bậc cha mẹ có thể chăm sóc con trẻ tốt hơn trong giai đoạn đầu đời của bé. Đồng thời cũng đừng quên theo dõi Tiki Blog để có thêm nhiều thông tin lý thú khác về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Reviews (0)

This article doesn't have any reviews yet.

Để lại bình luận

Đánh giá hữu ích
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Quảng cáo -gia dụng đón tết tikigia dụng đón tết tikigia dụng đón tết tikigia dụng đón tết tiki

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

- Quảng cáo -spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN

tiki_mom_club