Hương thảo không chỉ là một loại hương liệu phổ biến mà còn được ưa chuộng với nhiều tác dụng trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Ngoài ra, cây hương thảo còn dùng để trang trí khu vườn xung quanh, trang trí phòng trọ cực đẹp. Trong bài viết này, Tiki Blog sẽ cung cấp những thông tin về đặc điểm, tác dụng cũng như cách trồng và chăm sóc cây hương thảo. Cùng theo dõi ngay!
>> Xem thêm:
- Ý nghĩa phong thủy của cây kim tiền, cách trồng, chăm sóc
- Tác dụng của cây an xoa trong việc chữa bệnh về gan
- Cây trinh nữ hoàng cung – Tác dụng chữa bệnh từ dược liệu quý
Cây hương thảo là cây gì?
Hương thảo là một loài cây thân thảo có hoa, thuộc họ Hoa môi, có tên khoa học là Rosmarinus officinalis và có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Chúng được gọi với nhiều cái tên khác nhau như cây dương chổi, cây mê điệt,… Tên Rosmarinus trong tiếng Latinh nghĩa là sương mai của biển, phản ánh nguồn gốc và mùi hương đặc trưng của cây. Loại cây này có nhiều công dụng trong ẩm thực, y học, làm đẹp và trang trí.

Đặc điểm của hương thảo
Một số đặc điểm phổ biến của cây hương thảo:
- Thân cây nhỏ, phân nhánh, cao 1-2m, mọc thành bụi rậm.
- Lá hình dải, dẹp, màu xanh sẫm, mép gập xuống, nhẵn ở mặt trên, có lông trắng ở mặt dưới.
- Hoa xếp 2-10 ở các vòng lá, dài 1cm, màu lam nhạt, có mùi thơm dễ chịu.
- Cây thích hợp với khí hậu mát mẻ, khô ráo, đất thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng.
>> Xem thêm: Cây xạ đen có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Tác dụng của cây hương thảo
Cây hương thảo có nhiều công dụng trong ẩm thực, y học, làm đẹp và trang trí như:
- Hỗ trợ phòng bệnh ung thư: Hương thảo có chứa các chất chống oxy hóa, chống viêm và chống co thắt, có thể giúp ngăn ngừa và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư da, phổi, vú,…
- Giúp phòng bệnh và điều trị Alzheimer: Hương thảo là một loại thảo dược có khả năng chữa trị và ngăn ngừa Alzheimer – một bệnh gây suy giảm trí nhớ. Cây có tác dụng kích thích hoạt động của não bộ, cải thiện trí nhớ, tập trung và khả năng học tập. Loại cây này cũng có lợi cho việc nâng cao khả năng tư duy ở người già.
- Giúp điều trị rối loạn lipid máu: Hương thảo có khả năng điều hòa mỡ máu và ngăn ngừa béo phì nhờ dịch của cây.
- Cách trị rụng tóc bằng cây hương thảo: Tinh dầu hương thảo có khả năng giúp tóc mọc lại và chống rụng tóc. Trong một nghiên cứu, 43 người bị rụng tóc được xoa dầu hương thảo, cỏ xạ hương, hoa oải hương và cây tuyết tùng lên da đầu trong 7 tháng. Kết quả cho thấy hơn 40% số người này đã thấy tóc mọc lại.
- Giúp đuổi muỗi: Cây có mùi hương dễ chịu nhưng lại là loại mùi khiến muỗi bay xa. Hương thảo có thể dùng để trồng xung quanh nhà, treo trong phòng hoặc đốt lên để tạo khói đuổi muỗi. Bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu đuổi muỗi như tinh dầu bạc hà, tinh dầu húng quế, tinh dầu hoa oải thương để tạo mùi thơm dễ chịu và xoa đuổi muỗi.
- Giúp giảm căng thẳng: Cây hương thảo là loại thảo dược có mùi thơm dễ chịu giúp làm dịu căng thẳng và stress, giúp cải thiện tâm trạng và xóa tan cơn buồn ngủ.
- Làm gia vị, hương liệu trong nấu ăn: Hương thảo là một nguyên liệu quan trọng trong các món ăn Âu, lá cây có thể loại bỏ mùi tanh của thịt, thường được dùng trong các món nướng hay hầm.
>> Xem thêm: Cây bồ công anh: Tác dụng, lợi ích sức khỏe, lưu ý khi dùng

Cách trồng và chăm sóc cây hương thảo đúng cách
Sau đây là những bước cơ bản và bí quyết để thành công trong việc nuôi trồng hương thảo:
Cách trồng
- Mua cây giống ở các cửa hàng bán cây uy tín và nên chọn những cành hương thảo khỏe mạnh và cắt khoảng 10cm để trồng. Tuy nhiên để dễ dàng hơn thì có thể trồng hương thảo bằng cách gieo hạt.
- Trước khi cắm cành hương thảo, hãy ngắt hết lá ở phần dưới cành (khoảng 3cm), phần này sẽ được đào sâu vào đất để tránh cành bị mục. Sau đó cắm cành vào chậu nhỏ chứa đất trộn với cát thô và rêu bùn theo tỉ lệ 2:1. Đặt chậu ở nơi có ánh sáng nhưng không phải nắng gắt. Tưới nước thường xuyên và giữ ấm cho đến khi cành có rễ (khoảng 3 tuần).
- Khi cành đã có rễ thì có thể trồng cây vào chậu lớn hơn hoặc đem ra vườn trồng. Hương thảo có thể sống ở nhiều loại đất và khí hậu khác nhau. Tuy nhiên cây sẽ phát triển tốt nhất ở nơi khô ráo, ấm áp và nhiều nắng.
- Chọn nơi có đất thoát nước tốt vì hương thảo sẽ bị thối rễ nếu đất ngập nước. Hương thảo sẽ tỏa hương thơm đặc trưng khi được trồng trong đất có độ kiềm cao, nếu đất quá chua thì bạn nên trộn thêm vôi.
>> Xem thêm: TOP 11+ cây cảnh phong thủy hợp mệnh, mang lại may mắn, tài lộc dồi dào

Cách chăm sóc hương thảo tươi xanh
Sau đây là bí quyết chăm sóc và giữ cho hương thảo luôn tươi xanh:
- Hạn chế tưới nước: Hương thảo thích đất khô, vì thế không nên tưới quá nhiều nước.
- Không cần bón phân cho cây: Loại thảo dược này không cần bón phân nhưng phải chắc chắn rằng đất có đủ vôi.
- Mang cây vào nhà khi trời lạnh: Cây có thể chịu được nhiều điều kiện khắc nghiệt nhưng có thể bị hư hại nếu nhiệt độ xuống dưới -18 độ C hoặc tuyết rơi quá nhiều. Để bảo vệ cây qua mùa đông lạnh giá thì nên đưa cây vào nhà.
- Cắt tỉa cây nếu cần: Mặc dù hương thảo thường tự phát triển khá tốt nhưng bụi hương thảo thường có thể trở nên to hơn và chiếm quá nhiều diện tích trong vườn. Nên cân nhắc việc tỉa bớt các cành cây khoảng 10cm để duy trì hình dạng mong muốn và giữ cho cây luôn trong tình trạng tốt nhất.

Một số tác hại của cây hương thảo và lưu ý cách sử dụng
Cần lưu ý rằng việc sử dụng liều lượng hương thảo quá cao có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Các tác hại tiềm ẩn khi sử dụng cây hương thảo có thể gặp là buồn nôn, co giật, mất ý thức hoặc hôn mê, thậm chí là nguy cơ phát sinh phù phổi do tích tụ chất lỏng trong phổi.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng lá hương thảo vì chưa có nghiên cứu về an toàn và hiệu quả để chăm sóc trẻ sơ sinh hay sữa mẹ.
- Lá hương thảo có thể gây dị ứng da nên hãy giữ cây xa tầm tay của trẻ nhỏ và cẩn thận khi dùng.
- Ngoài ra, lá cây này cũng có thể gây ra phản ứng với một số loại thuốc như thuốc chống đông, thuốc hạ huyết áp, thuốc tiểu tiện,… Do đó, bạn nên xem xét kỹ trước khi dùng lá hương thảo để nấu ăn hay chữa bệnh cho mình hay người thân.
>> Xem thêm: Hoa hướng dương: Nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa của hoa hướng dương

Câu hỏi thường gặp
Hương thảo mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong phong thủy giúp xua đuổi tà khí, làm tăng tài lộc, sức khỏe và may mắn cho gia chủ. Tùy theo bản mệnh của người sở hữu, cây hương thảo có thể được bài trí ở những vị trí khác nhau trong nhà như sau:
Người mệnh Mộc: Có thể đặt cây ở phòng khách, phòng ngủ hoặc ban công. Cây sẽ giúp mang lại may mắn, tài lộc và sức khỏe cho người mệnh Mộc.
Người mệnh Thủy: Nên đặt cây ở phòng khách, phòng bếp hoặc phòng ngủ. Cây sẽ giúp tinh thần minh mẫn, sáng tạo và giảm căng thẳng cho người mệnh Thủy.
Người mệnh Thổ: Đặt cây ở phòng khách, phòng làm việc hoặc phòng ngủ. Cây sẽ giúp tăng cường vận may, sự nghiệp thành công và tình duyên thuận lợi cho người mệnh Thổ.
Người mệnh Kim: Có thể đặt cây ở phòng khách, phòng làm việc hoặc phòng ngủ. Cây sẽ giúp tăng cường sức khỏe, tinh thần minh mẫn và công danh thành đạt cho người mệnh Kim.
Người mệnh Hỏa: Nên chọn chậu cây trồng có màu xanh lá giúp tăng tính Mộc, giảm đi sự xung khắc giữa cây hương thảo và người mệnh Hỏa. Cây sẽ giúp mang lại sự hài hòa và bình an cho người mệnh Hỏa.
Cây hương thảo không chỉ là một nguồn gia vị thơm ngon cho ẩm thực mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Qua bài viết trên, Tiki đã giúp bạn biết thêm những đặc điểm nổi bật, tác dụng cũng như tác hại khi sử dụng quá mức. Việc trồng và chăm sóc hương thảo không chỉ dễ dàng mà còn giúp bạn tận hưởng không gian xanh tươi trong chính ngôi nhà của mình.